Nhiệm vụ và các công việc của kế toán doanh nghiệp là gì? Bài viết sau đây sẽ trình bày về nhiệm vụ cũng như công việc của kế toán doanh nghiệp.
- Kế toán doanh nghiệp là gì?
Kế toán doanh nghiệp là các kế toán thực hiện công việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp các thông tin quan trọng về kinh tế – tài chính theo hình thức về giá trị, hiện vật và thời gian lao động tại các doanh nghiệp.
Kế toán doanh nghiệp bao gồm 2 bộ phận chính:
– Kế toán nội bộ: Là vị trí kế toán cực kì quan trọng trong mỗi doanh nghiệp. Họ có nhiệm vụ chung của kế toán trong nội bộ đơn vị kế toán. Các thông tin trong bản báo cáo của kế toán nội bộ rất quan trọng đối với người quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp
– Kế toán thuế: Cũng là một bộ phận quan trọng trong hệ thống kế toán doanh nghiệp, với công việc chính là thu thập, kiểm tra, phân tích, cung cấp thông tin về kinh tế – tài chính theo báo cáo tìa chính cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng thông tin của đơn vị kế toán. Đối tượng kế toán thuế quan tâm bao gồm cơ quan thuế chủ quản và ngân hàng
- Nhiệm vụ của kế toán
Nhiệm vụ của kế toán được quy định tại Điều 4 Luật kế toán 2015 như sau:
“Điều 4. Nhiệm vụ kế toán
- Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán theo đối tượng và nội dung công việc kế toán, theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.
- Kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính, nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ; kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản; phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán.
- Phân tích thông tin, số liệu kế toán; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán.
- Cung cấp thông tin, số liệu kế toán theo quy định của pháp luật.”
3. Công việc của kế toán doanh nghiệp cần làm
Như vậy, để cung cấp thông tin hữu ích, chính xác và kịp thời cho các nhà quản lý doanh nghiệp ra quyết định thì các công việc của kế toán cần làm là:
– Thu thập thông tin: Mỗi ngày, bạn cần thu thập thông tin về các hoạt động kinh tế, tài chính phát sinh trong đơn vị và đưa vào chứng từ kế toán như phiếu thu, phiếu chi tiền, phiếu nhập, xuất kho, hóa đơn bán hàng,…
– Kiểm tra các khoản thu chi: Kế toán phải quản lý mọi khoản thu/ chi phát sinh theo quy định công ty, quỹ tiền mặt và chứng từ đính kèm.
– Tiếp nhận kiểm soát chứng từ kế toán: Hằng ngày doanh nghiệp phát sinh rất nhiều hoạt động thu chi khác nhau, kế toán phải kiểm soát những chứng từ liên quan để đảm bảo tính chính xác của các hoạt động.
– Ghi chép vào sổ kế toán: Khi có các hoạt động kinh tế phát sinh thì kế toán sẽ tổng hợp, ghi chép lại tất cả các hoạt động một cách cụ thể, chính xác, trung thực và kịp thời. Dựa vào các ghi chép hằng ngày này, nhân viên kế toán sẽ tổng hợp lại vào mỗi cuối tháng để đưa vào sổ kế toán phù hợp.
– Tổng hợp và lập báo cáo tài chính: Hằng tháng nhân viên kế toán sẽ tổng hợp lại tất cả số liệu từ các sổ kế toán đã ghi chép, lập thành các báo cáo chi tiết, cụ thể để trình lên lãnh đạo công ty, những thông tin về tài chính ấy có giá trị quan trọng trong việc đưa ra quyết định điều chỉnh phù hợp cho các hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ngày một phát triển hơn.
- Các phương pháp kế toán doanh nghiệp cần biết
– Hạch toán của kế toán doanh nghiệp: Phương pháp hạch toán là cách thức, công cụ giúp kế toán thu thập, xử lý và cung cấp thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp nhằm đạt hiệu quả quản lý. Do đặc điểm của các khoản mục trên báo cáo tài chính khác nhau nên người ta phân loại các phương pháp hạch toán như sau:
– Chứng từ kế toán: Đây là phương pháp hình thành lên các chứng từ mà nó phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong tổ chức, điều này giúp kế toán thu thập đầy đủ thông tin và làm cơ sở ghi chép vào sổ sách. Nó bao gồm các hoạt động: lập chứng từ gốc, tổ chức sắp xếp các chứng từ, luân chuyển các chứng từ đến các bộ phận liên quan,..
– Tài khoản kế toán: Phương pháp này nhằm phân loại, theo dõi và kiểm soát thường xuyên tình hình biến động của các khoản mục tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu. Từ đây, kế toán doanh nghiệp dễ dàng cung cấp thông tin cho nhà quản lý về tình hình sử dụng vốn giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh.
– Tính giá: Là cách mà kế toán viên đo lường, ghi nhận giá trị của tài sản trong doanh nghiệp theo nguyên tắc nhất định. Phương pháp này cũng hỗ trợ kế toán thuế xác định các khoản chênh lệch giữa kế toán và thuế nhằm hình thành nên tờ khai thuế. Không những thế, các khoản mục phân bổ chi phí hay đánh giá sản phẩm dở dang cũng được tính toán theo các nguyên tắc luật định nhằm phản ánh thực tế về các đối tượng đó.
– Tổng hợp cân đối kế toán: Từ những số liệu trên sổ sách, kế toán doanh nghiệp sẽ tổng hợp theo các mối quan hệ để lập nên các báo cáo nhằm nêu lên bức tranh tổng thể của doanh nghiệp bao gồm tình hình tài sản, hiệu quả sử dụng vốn,….