Kế toán là bộ phận không còn quá xa lạ đối với mọi người trong doanh nghiệp và kế toán nội bộ là một vị trí không thể thiếu đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn và các dịch vụ đa dạng. Vậy ké toán nội bộ là gì? Vai trò của kế toán nội bộ?
- Kế toán nội bộ là gì?
Kế toán nội bộ hay còn được gọi với cái tên khác là kế toán quản trị, là người đảm nhận những công việc kế toán trong nội bộ doanh nghiệp.
Kế toán nội bộ là người thực hiện các công việc ghi chép, lưu trữ, lập chứng từ, kiểm tra và theo dõi những hoạt động kinh tế, hoạt động tài chính của doanh nghiệp từ lúc phát sinh cho đến khi kết thúc.
- Vai trò của kế toán nội bộ
Kế toán nội bộ giữ vai trò then chốt trong việc hỗ trợ quản lý sổ sách, giúp doanh nghiệp đưa ra những quyết định kinh doanh phù hợp, hiệu quả. Cụ thể:
– Bảo đảm những hoạt động kế toán và tài chính của doanh nghiệp thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
– Bảo đảm những giao dịch tài chính được ghi nhận đầy đủ, chính xác để cung cấp thông tin tài chính cho các bộ phận liên quan một cách đúng đắn.
– Cung cấp thông tin tài chính để hỗ trợ quản lý đưa ra quyết định kinh doanh hiệu quả, chính xác.
– Theo dõi hoạt động, kiểm tra, phân tích những dữ liệu tài chính và đưa ra các giải pháp để giảm thiểu rủi ro cho công ty.
– Phân tích chi phí và đưa ra các giải pháp để giảm thiểu, tiết kiệm ngân sách, hạn chế thiếu hụt giúp quản lý hiệu quả.
- Phân loại kế toán nội bộ
Kế toán nội bộ tại các doanh nghiệp lớn được phân chia thành nhiều mảng khác nhau để đảm bảo được hiệu suất công việc cũng như kiểm tra chéo các nghiệp vụ tránh sai sót, cụ thể như sau:
– Kế toán tiền mặt: Hay còn gọi là thủ quỹ sẽ đảm nhận việc quản lý tiền mặt, thu chi tiền mặt và quản lý phần tồn quỹ sau đó định kỳ báo cáo lại cho cấp trên;
– Kế toán ngân hàng: Quản lý phần tiền gửi ngân hàng, nạp rút tiền bằng séc, lập ủy nhiệm chi thanh toán và ghi chép sổ sách kế toán; đối chiếu số liệu giữa sổ phụ và sổ kế toán sao cho trùng khớp;
– Kế toán kho: Công việc chủ yếu của kế toán kho là lập chứng từ, ghi sổ hàng hóa được xuất – nhập kho và giám sát quản lý các luồng hàng qua kho theo quy định của doanh nghiệp. Ngoài ra, khi cần thiết, kế toán kho cũng lập báo cáo chi tiết về tình hình hàng xuất – nhập – tồn kho;
– Kế toán bán hàng: Quản lý hoạt động bán hàng bằng cách tổng hợp doanh thu và đối chiếu số lượng nhập xuất kho vào cuối mỗi ngày với thủ kho; nhập số liệu hàng hóa mua và bán vào phần mềm kế toán; thực hiện chính sách chiết khấu cho khách hàng và xuất hóa đơn; giám sát công nợ với khách hàng;
– Kế toán thanh toán: Thực hiện các công việc liên quan đến thanh toán, tạm ứng và quản lý các khoản thanh toán tạm ứng bằng cách đối chiếu công nợ giữa các kết quả chứng từ;
– Kế toán lương: Quản lý danh sách người lao động, các chính sách liên quan đến nhân sự đồng thời tính toán và thanh toán lương;
– Kế toán công nợ: Thu hồi công nợ khách hàng cũng như tình trạng thanh toán, lên kế hoạch giãn nợ sau đó lập báo cáo về các khoản công nợ;
– Kế toán tổng hợp: Là người quản lý tổng hợp các chứng từ kế toán từ nhân viên kế toán phần hành, cập nhật những thông tư nghị định mới, thông tin tài chính hàng ngày của doanh nghiệp. Sau đó căn cứ vào các số liệu đã được ghi chép của kế toán phần hành, tiến hành kiểm tra sự đúng đắn và lập báo cáo tài chính;
– Kế toán trưởng: Quản lý và giám sát các đầu mục công việc của kế toán viên, kiểm tra tính đúng đắn của báo cáo tài chính và dựa vào đó để có cái nhìn tổng quát về tình hình tài chính của doanh nghiệp, tham mưu chiến lược cho ban lãnh đạo.