Thuế giá trị gia tăng (GTGT) có 2 phương pháp được sử dụng phổ biến tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đó là đó là phương pháp tính trực tiếp và phương pháp khấu trừ thuế. Vậy phương pháp khấu trừ là gì? Đặc điểm, vai trò như thế nào? Hãy cùng Dịch vụ kế toán Blue tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
- Phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT)
Phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) chính là việc các doanh nghiệp xác định số thuế phải nộp dựa trên kết quả của việc lấy số thuế giá trị gia tăng đầu ra trừ số thuế giá trị gia tăng đầu vào.
– Thuế GTGT đầu vào của sản phẩm: Khi một doanh nghiệp đi mua sản phẩm thì sẽ phải chịu thuế GTGT đối với loại sản phẩm đó
– Thuế GTGT đầu ra của sản phẩm: Khi doanh nghiệp tiến hành bán sản phẩm đó cho người mua hàng thì người đó sẽ phải chịu phần thuế GTGT tính trên giá trị của sản phẩm đó
Khi đó:
Thuế GTGT mà doanh nghiệp phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào
- Đặc điểm, vai trò và điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào
Việc khấu trừ thuế GTGT có đặc điểm đặc trưng, vai trò quan trọng đối với quản lý thuế. Đồng thời, người nộp thuế cần nắm được điều kiện để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
a. Khấu trừ thuế GTGT có những đặc trưng cơ bản sau:
– Kết quả thuế VAT khấu trừ sẽ cho con số chính xác mà người nộp thuế cần phải nộp vào ngân sách nhà nước được xác định trực tiếp dựa trên số hiệu thuế trong các khâu sản xuất, lưu thông hàng hóa, dịch vụ.
– Khấu trừ thuế VAT đầu vào là số thuế GTGT được khấu trừ dựa trên số lượng hàng hóa mà doanh nghiệp mua vào.
– Khấu trừ thuế VAT bán ra là số thuế GTGT được khấu trừ dựa trên số lượng hàng hóa mà doanh nghiệp bán ra.
b. Vai trò của khấu trừ thuế GTGT
Khấu trừ thuế GTGT có vai trò như sau:
– Khấu trừ thuế GTGT phản ánh đúng bản chất của thuế GTGT, nghĩa là trực tiếp đánh vào người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ cuối cùng.
– Khấu trừ thuế giúp cơ quan thuế quản lý thuế, thu thuế dễ dàng hơn.
– Áp dụng khấu trừ thuế sẽ khiến cho hoạt động hạch toán được diễn ra minh bạch, đúng với tiêu chuẩn và quy định pháp luật đối với công tác kế toán.
c. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng
Căn cứ theo Khoản 2, Điều 12, Luật Giá trị gia tăng năm 2008 (sửa đổi năm 2013), điều kiện được khấu trừ thuế GTGT đầu vào:
– Có hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu.
– Đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào từ 20 triệu đồng trở lên: Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
– Hàng hóa dịch vụ xuất khẩu: Ngoài đáp ứng đủ 2 điều kiện trên còn cần phải:
+ Hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
+ Hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ, chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu.
- Đối tượng áp dụng tính thuế
– Doanh nghiệp đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hoá đơn, chứng từ.
– Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư.
– Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản cố định, máy móc, thiết bị có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên ghi trên hoá đơn mua tài sản cố định, máy móc, thiết bị, kể cả hoá đơn mua tài sản cố định, máy móc, thiết bị trước khi thành lập (không bao gồm ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống của cơ sở kinh doanh không hoạt động vận tải, du lịch, khách sạn); tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ.
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam kê khai khấu trừ nộp thay.
- Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT
Có 3 nguyên tắc trong khấu trừ thuế GTGT
– Nguyên tắc 1: Khấu trừ toàn bộ
+ Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bị tổn thất;
+ Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ bán cho tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn vốn viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại được khấu trừ toàn bộ.
– Nguyên tắc 2: Đầu ra không chịu thuế, đầu vào không được khấu trừ thuế
+ Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, khi sản xuất và kinh doanh các hàng hóa không thuộc diện chịu thuế GTGT thì không phải nộp thuế GTGT đầu ra và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
+ Đối tượng không chịu thuế GTGT gồm 25 nhóm hàng hóa cụ thể đã được quy định
– Nguyên tắc 3: Hạch toán riêng
+ Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.
+ Doanh nghiệp phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ;
+ Trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ % giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT so với tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ bán ra.