T6, 03 / 2024 5:02 chiều | phuongchi

Thuế giá trị gia tăng là một trong những loại thuế mà doanh nghiệp phải nộp khi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vậy thuế Giá trị gia tăng là gì? Đặc điểm và vai trò của thuế giá trị gia tăng như thế nào? Quý bạn đọc hãy cùng Blue chúng tôi tìm hiểu trong bài viết sau đây.

  1. Thuế giá trị gia tăng là loại thuế gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 nêu định nghĩa về thuế Giá  trị gia tăng (GTGT) như sau:

Thuế giá trị gia tăng:

“Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.”

Thuế giá trị gia tăng là gì?
  1. Đặc điểm của thuế Giá trị gia tăng

– Thứ nhất, thuế GTGT là thuế gián thu

Thuế GTGT do người tiêu dùng cuối cùng chịu. Cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ là người nộp thuế vào ngân sách nhà nước thay cho người tiêu dùng thông qua việc cộng thuế vào giá bán mà người tiêu dùng phải thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, thuế GTGT là thuế gián thu.

– Thứ hai, thuế giá trị gia tăng là thuế tiêu dùng nhiều giai đoạn không trùng lặp

Thuế GTGT đánh vào tất cả các giai đoạn luân chuyển từ sản xuất tới lưu thông, tiêu dùng. Ở từng giai đoạn, thuế chỉ tính trên phần giá trị gia tăng của giai đoạn đó, không tính trùng phần GTGT đã tính thuế ở các giai đoạn luân chuyển trước.

Xét trên một hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, tổng số thuế GTGT thu được qua tất cả các giai đoạn luân chuyển của hàng hóa, dịch vụ bằng với số thuế tính trên giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng. Vì vậy, thuế GTGT là thuế tiêu dùng nhiều giai đoạn không trùng lặp.

– Thứ ba, thuế giá trị gia tăng được đánh thuế theo nguyên tắc điểm đến

Thuế GTGT được áp dụng theo nguyên tắc điểm đến. Thuế GTGT đánh vào hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nội địa, bất kể hàng hóa dịch vụ đó được tạo ra ở trong nước hay nhập khẩu từ nước ngoài.

– Thứ tư, thuế giá trí gia tăng có phạm vi điều tiết rộng

Thuộc loại thuế tiêu dùng thông thường, đánh vào hầu hết các hàng hóa, dịch vụ nên thuế GTGT có phạm vi điều tiết rộng.

  1. Vai trò của thuế giá trị gia tăng

Thuế là công cụ quan trọng để Nhà nước thực hiện chức năng quản lý vĩ mô đối với nền kinh tế. Vai trò của thuế giá trị gia tăng được thể hiện ở các khía cạnh chủ yếu sau:

– Thuế giá trị gia tăng có tác dụng điều tiết thu nhập của tổ chức, cá nhân tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng.

– Thuế giá trị gia tăng là khoản thu quan trọng của Ngân sách Nhà nước. Ở Việt Nam, thuế giá trị gia tăng hiện nay chiếm tỷ trọng khoảng 20 – 30% trong tổng thu từ thuế, phí và lệ phí.

– Thuế giá trị gia tăng không trùng lặp do loại thuế này chỉ tính vào giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ qua các khâu sản xuất, lưu thông, tiêu dùng mà không tính vào phần giá trị đã chịu thuế giá trị gia tăng ở các khâu trước. Thuế đã nộp ở các khâu trước được tính khấu trừ ở khâu sau do đó có tác dụng khuyến khích các tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, khuyến khích chuyên môn hoá, hợp tác hoá sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

– Khuyến khích xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ thông qua áp dụng mức thuế suất 0%. Doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ không những không phải chịu thuế giá trị gia tăng ở khâu xuất khẩu mà còn được hoàn toàn bộ số thuế đầu vào đã thu ở khâu trước. Điều này có tác dụng giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên thị trường quốc tế.

– Thúc đẩy thực hiện chế độ hạch toán kế toán; sử dụng hoá đơn, chứng từ và thanh toán qua ngân hàng.

Thuế giá trị gia tăng là gì?
  1. Các loại thuế suất thuế Giá trị gia tăng

Theo Luật Thuế giá trị gia tăng, 3 mức thuế suất bao gồm: 0%, 5% và 10%, cụ thể quy định mức thuế suất như sau:

4.1. Mức thuế suất 0%

Áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ sau đây:

– Dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế;

– Hàng hóa xuất khẩu và được coi là xuất khẩu;

– Dịch vụ không chịu thuế GTGT theo quy định khi xuất khẩu.

4.2. Mức thuế suất 5%

Áp dụng đối với những hàng hóa, dịch vụ dưới đây:

– Nước sạch dùng để phục vụ sản xuất và sinh hoạt;

– Quặng để sản xuất các loại phân bón, thuốc trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng nông nghiệp cây trồng, vật nuôi;

– Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương tưới tiêu, ao hồ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp;

– Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa qua chế biến, sản xuất thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản trong khâu tiêu dùng chưa đến trực tiếp người tiêu dùng mà có qua khâu trung gian;

– Mủ cao su sơ chế;

– Thực phẩm tươi sống, lâm sản chưa chế biến ở khâu kinh doanh thương mại, trừ gỗ, măng và các sản phẩm quy định;

– Đường, phụ phẩm trong sản xuất từ đường, bao gồm: rỉ đường, bã mía, bã bùn;

– Các sản phẩm thủ công, làm bằng tay, sản xuất bằng nguyên liệu tận dụng từ nông nghiệp;

– Các thiết bị, dụng cụ y tế thuộc đối tượng chịu thuế suất GTGT 5% nếu được sự xác nhận của Bộ Y tế;

– Dụng cụ, đồ dùng dùng cho việc giảng dạy và học tập;

– Dịch vụ tổ chức hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao hoặc biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim;

– Đồ chơi cho trẻ em hoặc một số sách các loại (trừ sách không chịu thuế GTGT);

– Bán nhà ở xã hội, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định;

– Một số dịch vụ khoa học và công nghệ khác.

4.3. Mức thuế suất 10%

– Áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc các đối tượng không chịu thuế, thuế suất 0% và thuế suất GTGT 5%.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Nếu có vướng mắc hay liên hệ với Luật Blue được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về thuế giá trị gia tăng.

Bài viết cùng chuyên mục